DẠY TRẺ VỀ LÒNG BIẾT ƠN

Gọi ngay: 0384132355

DẠY TRẺ VỀ LÒNG BIẾT ƠN
Ngày đăng: 25/07/2023 09:04 PM

Chúng ta cần dạy con về lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ. Lòng biết ơn bao gồm cả những điều nhỏ nhất như biết ơn một miếng bánh khi đói, tấm áo ấm khi lạnh, đôi dép lành lặn để đi… cho đến những điều lớn lao hơn như hạnh phúc đủ đầy, lớn lên trong sự sung túc, cơ thể lành lặn và khỏe mạnh.

Thậm chí, đôi khi chúng ta còn biết ơn sự thiếu thốn, nỗi đau và những tổn thương để mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn. Biết ơn cả cuộc sống và sinh mệnh quý giá, biết ơn không khí trong lành để hít thở mỗi ngày. Một đứa trẻ khi được dạy và thực hành lòng biết ơn sẽ giúp chúng cảm nhận được chân giá trị của cuộc sống. Vậy cha mẹ làm thế nào để dạy trẻ về lòng biết ơn?

Cách dạy con lòng biết ơn
Làm gương cho trẻ 
Trẻ học hỏi tốt nhất thông qua việc bắt chước cha mẹ. Cách đơn giản nhất đó là cha mẹ nói “cảm ơn” với nhau và với con của mình thường xuyên nhất có thể. 

Bên cạnh đó, hàng ngày hãy đề cập đến chủ đề lòng biết ơn, ví dụ như khi đi dạo vào một ngày trời quang đãng, cha mẹ có thể nói với trẻ rằng: “Thật may mắn khi chúng ta được đi dạo trong một ngày nắng đẹp như thế này!”. Điều này cũng dạy trẻ biết ơn những điều đơn giản, đời thường nhất là những thứ thường bị bỏ quên.

Khuyến khích trẻ giúp đỡ việc nhà
Bằng cách khuyến khích trẻ giúp đỡ các công việc nhà, chẳng hạn như rửa bát hoặc tưới cây, cha mẹ sẽ tạo ra môi trường để trẻ học về lòng biết ơn. Khi cùng cha mẹ làm những công việc chân tay trong gia đình, trẻ nhận ra rằng mình cũng cần nỗ lực và không nên coi mọi thứ là điều hiển nhiên. Mặt khác, cha mẹ càng làm mọi thứ cho con mình mà không nói cho trẻ biết về những nỗ lực đã bỏ ra thì con càng có nhiều cơ hội coi rằng đó là điều hiển nhiên mà cha mẹ phải làm.

Khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác
Một cách khác để dạy trẻ về lòng biết ơn đó là cha mẹ hãy cùng trẻ giúp đỡ những người khác khó khăn hơn mình. Tích trữ những món đồ không dùng đến như sách, đồ chơi, quần áo và quyên góp cho những người cần giúp đỡ là một ví dụ tuyệt vời để thúc đẩy sự rộng lượng, hào phóng ở trẻ. Hãy đưa trẻ đến thăm những người có điều kiện khó khăn để trẻ có cơ hội nhìn thấy thực tế cuộc sống và từ đó trở nên tử tế, tốt bụng với mọi người.

Đưa ra ví dụ cụ thể về lòng biết ơn
Cha mẹ hãy đưa ra ví dụ về những trường hợp thực tế để từ đó trẻ học được cách đánh giá cao về những gì mình nhận được và dần dần bồi dưỡng lòng biết ơn. Ví dụ như chia sẻ cho trẻ một tin tốt lành: “Hôm nay, bố/mẹ có máy tính mới tại nơi làm việc đấy. Thật may mắn biết bao khi bố/mẹ được thay cái máy tính cũ”.

Khuyến khích trẻ nói lời “cảm ơn”
Một cách dạy con về lòng biết ơn tốt hơn là hãy khuyến khích trẻ nói lời “cảm ơn”. Nhiều khi, lời cảm ơn chỉ đơn giản là một mảnh giấy với một bông hoa trên đó. Trẻ em thích thể hiện cảm xúc bằng những chữ cái và hình vẽ nhỏ. Hãy khuyến khích trẻ nói lời “cảm ơn” với mọi người bất cứ khi nào họ cần được cảm ơn. Ví dụ, trẻ có thể viết thư cho ai đó đã tặng trẻ một món đồ chơi đáng yêu vào ngày sinh nhật chẳng hạn.

Biết nói “không” với đòi hỏi của trẻ
Hầu hết trẻ em đều muốn có kẹo bánh hay những món đồ chơi, trò chơi điện tử mới nhất trên thị trường và đòi bố mẹ mua cho. Và các bậc phụ huynh thì lại có xu hướng đáp ứng mọi mong muốn của con mình. Một số người còn có thể mua bất cứ thứ gì để trẻ thôi giận dữ, khóc lóc vì đòi món đồ mình muốn có. Thái độ này của cha mẹ sẽ làm ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng lòng biết ơn ở con bạn.

Cha mẹ cần thấy rằng, nói “không” nhiều lần với trẻ sẽ khiến việc nói “có” nghe ngọt ngào hơn nhiều. Bằng cách này sẽ giúp dạy trẻ kiên nhẫn chờ đợi thứ mình muốn có và trân trọng, biết ơn về điều đó.

Hãy kiên nhẫn
Cha mẹ phải hiểu rằng, trẻ sẽ không đột nhiên thấm nhuần thói quen về lòng biết ơn. Trẻ có thể mất vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc nhiều năm để dần xây dựng thói quen biết ơn và nhiều khi việc nghe thấy từ “không” của cha mẹ đối với đòi hỏi của mình sẽ khiến trẻ rơi nước mắt. Lúc này, cha mẹ hãy bình tĩnh và giúp trẻ hình thành thói quen về sự cảm kích, biết ơn với những thứ mình nhận được.

Cảm ơn những người đã phục vụ bạn
Hầu hết chúng ta có xu hướng coi công việc do người giúp việc gia đình thực hiện là điều hiển nhiên. Và con cái của chúng ta cũng sẽ làm như vậy. Hãy dạy trẻ về lòng biết ơn ngay từ những điều này. Cha mẹ hãy làm gương cho con cái bằng cách cảm ơn những người đã phục vụ chúng ta.

Ví dụ như, người phục vụ xe buýt, người lao công trong trường, người lái xe hoặc người giúp việc ở nhà cần được cảm ơn về những dịch vụ họ đã cung cấp, giúp đỡ cho gia đình ta. Và cha mẹ phải dạy cho trẻ cần tôn trọng và nói lời cảm ơn với những người như vậy.

Duy trì thói quen biết ơn hàng ngày
Hãy bảo trẻ ghi những điều mà chúng thấy biết ơn hàng ngày vào một cuốn sổ nhỏ. Vào cuối tuần, có thể bảo trẻ đọc to những điều đó lên. Duy trì thói quen này hàng ngày sẽ khuyến khích trẻ suy nghĩ về mọi khía cạnh của cuộc sống và đếm những niềm hạnh phúc, may mắn của mình chứ không phải những bất hạnh, những thứ mình không có.

Đứa trẻ học và thấu cảm được lòng biết ơn chân thành sẽ biết cho đi để nhận lại niềm vui và sự thư thái trong tâm hồn. Biết ơn cuộc sống giúp trẻ lan tỏa hạnh phúc của lòng biết ơn đến mọi người, biết mang sự may mắn, đủ đầy của mình đi giúp đỡ những người yếu thế, bất hạnh và thiếu may mắn.

Và cuối cùng, cha mẹ cũng thực sự biết ơn con để học được cách làm người cha, người mẹ hạnh phúc!

Tác giả: Tâm lý gia Như Hiếu

Văn phòng tham vấn tâm lí trên mây của Dự án Bảo hiểm sức khoẻ tinh thần xác định tầm nhìn và sứ mệnh của mình, hướng đến việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh, hỗ trợ học sinh – phụ huynh – giáo viên nhận biết và phòng ngừa các khó khăn tâm lí.

Chúng tôi luôn muốn trở thành người bạn đồng hành chăm sóc sức khỏe tinh thần và bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và cả mai sau.

Trích đoạn sưu tầm 

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

 

TRƯỜNG MẦM NON DUY NHẬT TÂN

Địa chỉ: 87/4 TX22 phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM

Cơ sở 1: 331/6a Tô Ngọc Vân, Quận 12, TP HCM

Cơ sở 3: 63D Tô Ngọc Vân , Quận 12, TP HCM

Tel: 0384132355

Mail: Haiyen.nhattan@gmail.com

 

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline